Lịch sử Riyadh

Lịch sử sơ khởi

Trong giai đoạn tiền Hồi giáo, thành phố nằm tại địa điểm được gọi là Hajr (tiếng Ả Rập: حجر‎), và được cho là do bộ lạc Banu Hanifa lập nên.[3] Hajr có vai trò là thủ phủ của tỉnh Al Yamamah, các thống đốc của tỉnh này chịu trách nhiệm đối với hầu hết miền trung và miền đông bán đảo Ả Rập dưới thời các đế quốc UmayyadAbbas. Al-Yamamah tách khỏi Đế quốc Abbas vào năm 866 và khu vực nằm dưới quyền cai trị của Vương triều Ukhaydhir, vương triều này dời đô từ Hajr đến Al Kharj lân cận. Thành phố bước vào một giai đoạn suy thoái kéo dài. Đến thế kỷ XIV, lữ khách Bắc Phi Ibn Battuta viết về chuyến đi của ông đến Hajr, mô tả nơi này là "thành phố chính của Al-Yamamah, và có tên là Hajr". Ibn Battuta mô tả địa phương là một thành phố gồm các con kênh và cây cối, hầu hết cư dân thuộc bộ lạc Bani Hanifa, và tường thuật rằng ông tiếp tục cùng thủ lĩnh địa phương đến Mecca để thực hiện Hajj.

Sau đó, Hajr tan rã thành một số khu định cư và lãnh địa riêng biệt, đáng chú ý nhất trong số này là Migrin (hay Muqrin) và Mi'kal, song tên gọi Hajr tiếp tục xuất hiện trong thơ dân gian địa phương. Đề cập sớm nhất được biết đến về khu vực với tên Riyadh là trong tường thuật của một người chép sử thế kỷ XVII về một sự kiện từ năm 1590. Năm 1737, một người tị nạn từ Manfuha lân cận có tên là Deham ibn Dawwas đoạt quyền kiểm soát Riyadh.[4] Ibn Dawwas cho xây một bức tường duy nhất bao quanh các khu khác nhau tại Riyadh, khiến chúng trở thành một thị trấn duy nhất trên thực tế.

Nhà nước Saud

Bản đồ Riyadh năm 1922

Năm 1744, Muhammad ibn Abdel Wahhab lập một liên minh với Muhammad ibn Saud, là người cai trị thị trấn Diriyah lân cận. Muhammad ibn Saud sau đó tiến hành chinh phục khu vực xung quanh với mục tiêu đưa chúng nằm dưới quyền cai trị của một nhà nước Hồi giáo duy nhất. Ibn Dawwas của Riyadh lãnh đạo cuộc kháng cự kiên quyết nhất, ông liên minh với lực lượng từ Al Kharj, Al Ahsa và thị tộc Banu Yam của Najran. Tuy nhiên, đến năm 1774 thì Ibn Dawwas phải đào tị và Riyadh đầu hàng trước Nhà Saud, kết thúc nhiều năm chiến tranh, dẫn đến tuyên bố Nhà nước Saud thứ nhất có thủ đô tại Diriyah.[4]

Quân đội của Muhammad Ali của Ai Cập, nhân danh Đế quốc Ottoman, tiến hành tiêu diệt Nhà nước Saud thứ nhất. Quân Ottoman san bằng thủ đô Diriyah của Nhà Saud vào năm 1818.[4] Họ duy trì một doanh trại đồn trú tại Najd. Sự kiện này đánh dấu một giai đoạn suy thoái của Nhà Saud.[5] Turki bin Abdullah bin Muhammad trở thành Amir của Nhà nước Saud thứ hai; một người trong họ là Saud bin Saud cai trị trong 19 năm cho đến năm 1834, ông lãnh đạo công cuộc củng cố khu vực song trên danh nghĩa họ vẫn nắm dưới quyền kiểm soát của Phó vương Ai Cập Muhammad Ali.[5] Năm 1823, Turki ibn Abdallah lựa chọn Riyadh làm thủ đô mới.[6] Sau khi Turki bị ám sát vào năm 1834, con cả của ông là Faisal đánh bại kẻ ám sát và đoạt quyền, sau đó từ chối nằm dưới quyền kiểm soát của Phó vương Ai Cập. Najd sau đó bị xâm chiếm, Faisal bị bắt làm tù nhân và bị giữ tại Cairo. Tuy nhiên, do Ai Cập trở nên độc lập với Ottoman, Faisal trốn thoát sau 5 năm bị giam hãm, trở về Najd và phục hồi quyền cai trị. Faisal cai trị cho đến năm 1865, củng cố quyền lực của Nhà Saud.[5]

Sau khi Faisal mất, xảy ra kình địch giữa các con trai của ông, Muhammad bin Rashid lợi dụng tình thế này để đoạt quyền kiểm soát hầu hết Najd, ký một hiệp định với Ottoman và cũng chiếm được Hasa vào năm 1871. Đến năm 1889, con trai thứ ba của Faisal là Abdul Rahman bin Faisal giành lại quyền kiểm soát đối với Najd và cai trị đến năm 1891, sau đó quyền kiểm soát khu vực lại thuộc về Muhammad bin Rashid.[5]

Đấu tranh tương tàn giữa các cháu nội của Turki khiến Nhà nước Saud thứ nhì sụp đổ vào năm 1891 dưới tay thị tộc Al Rashid cai trị từ thành phố Ha'il ở miền bắc. Thành al-Masmak có niên đại từ giai đoạn này.[6]

Abdul Rahman bin Faisal al-Saud tìm cách tị nạn trong một cộng đồng bộ lạc tại các vùng ngoại vi của Najd và sau đó đến Kuwait cùng gia tộc để sống lưu vong. Tuy nhiên, con trai ông là Abdul Aziz (Ibn Saud) khôi phục vương quốc của tổ tiên tại Najd vào năm 1902 và củng cố quyền cai trị của mình cho đến năm 1926, và bành trướng vương quốc đến quy mô "hầu hết bán đảo Ả Rập."[7] Abdul Aziz đặt tên cho vương quốc mới là Ả Rập Xê Út vào tháng 9 năm 1932[7] với thủ đô là Riyadh.[8] Quốc vương Abdul Aziz mất vào năm 1953 và con trai ông là Saud lên nắm quyền theo quy tắc thừa kế trực hệ được định ra từ khi Muhammad bin Saud lập vương triều Saud vào năm 1744. Tuy nhiên, quy tắc kế vị này bị phá vỡ khi người kế vị Quốc vương Saud là em trai ông, Quốc vương Faisal vào năm 1964. Đến năm 1975, người kế vị Faisal cũng là em trai, Quốc vương Khalid. Năm 1982, Quốc vương Fahd kế vị anh trai của ông. Quy tắc kế vị mới là trong số các con trai của Quốc vương Abdul Aziz; gia tộc lớn của Ibn Saud nắm giữ toàn bộ các chức vụ trọng yếu trong vương quốc.[7]

Lịch sử hiện đại

Kể từ thập niên 1940, Riyadh nhanh chóng phát triển từ một thị trấn tương đối hẹp, cô lập về không gian thành một đại đô thị rộng lớn.[9] Khi Quốc vương Saud lên nắm quyền, ông đặt mục tiêu hiện đại hoá Riyadh, và bắt đầu phát triển khu dinh thự hoàng gia Annasriyyah vào năm 1950.[9] Theo mô hình của các thành phố tại Hoa Kỳ, các khu dân cư mới và toàn bộ các khu phố được lập ra theo mô hình gần giống ô bàn cờ và được liên kết qua các đường chính có hiệu suất cao đến những khu vực nội đô. Mô hình ô bàn cờ trong thành phố được áp dụng vào năm 1953.[9] Tăng trưởng dân số trong đô thị vào giai đoạn 1974-1992 đạt trung bình 8,2 phần trăm mỗi năm.

Kể từ thập niên 1990, từng xảy ra nhiều vụ tấn công khủng bố vào cư dân địa phương và người ngoại quốc, và các cuộc kháng nghị chống lại hoàng tộc. Ngày 13 tháng 11 năm 1995, một quả bom xe phát nổ bên ngoài một toà nhà của Vệ binh Quốc gia khiến sáu người thiệt mạng và trên 60 người bị thương.[10][11] Ngày 12 tháng 5 năm 2003, 34 người thiệt mạng trong một vụ tấn công tự sát nhằm vào các thường dân Hoa Kỳ. Ngày 8 tháng 11 năm 2003, một vụ tấn công bom xe tại khu nhà ở Muhiya khiến 18 người thiệt mạng và 122 người bị thương.[12] Al-Qaeda tuyên bố nhận trách nhiệm cho các vụ tấn công.[12] Ngày 23 tháng 6 năm 2006, lực lượng an ninh Ả Rập Xê Út xông vào một nơi ẩn náu của al-Qaeda tại khu phố al-Nakhil; kết quả là sáu phần tử cực đoan và một cảnh sát thiệt mạng.[13][14] Thị trưởng của Riyadh từ năm 2015 là Ibrahim Mohammed Al Sultan, ông là một quan chức giao thông nhiều kinh nghiệm.[15]

Riyadh có đại học nữ sinh lớn nhất thế giới, đó là Đại học Công chúa Nora bint Abdul Rahman.[16]

Riyadh hiện nay là trung tâm hành chính và là một trung tâm thương nghiệp lớn tại Ả Rập Xê Út. Theo Saudi Real Estate Companion, hầu hết các công ty lớn trong nước lập trụ sở duy nhất hoặc một văn phòng lớn trong thành phố.[17] Do đó, thành phố có mức tăng trưởng đáng kể về phát triển nhà cao tầng tại khắp các khu vực. Đáng chú ý nhất trong số đó là Quận Tài chính Quốc vương Abdulla, nó nhanh chóng trở thành trung tâm kinh doanh trọng yếu trong thành phố.[18]

Quang cảnh ban đêm của Riyadh